Lễ hội Tây Thiện - Tục thờ Mẫu Tam Đảo (huyện)

Lễ hội Tây Thiên: Giao lưu và phát triển

Từ xa xưa, miền đất Tổ Vĩnh Phúc vốn được coi là một trong những trung tâm hội tụ và lan tỏa tín ngưỡng thờ Mẫu tại Việt Nam. Tín ngưỡng thờ Mẫu xuất hiện rất sớm ở Tây Thiên. Theo ngọc phả thời Hùng Vương, Mẫu Tây Thiên họ Lăng, tên chữ là Ngọc Tiêu, người thôn Đông Lộ, xã Đại Đình ngày nay. Bà đã có nhân duyên cùng vua Hùng thứ VII là Chiêu Vương khi nhà vua cầu “Tiên tử” ở núi Tam Đảo và được tuyển làm Hoàng phi. Từ đó, đã mở ra một triều đại mới với 7 đời vương kế tiếp nhau, ở ngôi tới 200 năm, là thời kỳ thiên hạ thái bình, xã hội ổn định. Trong Từ điển Bộ Lễ nhà Lê, bà được xếp thứ hai sau Tản Viên Sơn Thánh, được vinh phong là: “Tam Đảo Sơn Trụ Quốc Mẫu Tối Linh Đại Vương”.

Trên núi Thạch Bàn, đền thờ bà tọa lạc cùng với chùa Tây Thiên, nên còn được gọi là đền Thượng Tây Thiên. Đền thờ Bà nằm trong khu vực núi rừng có cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, nguyên sơ, quanh năm mây vờn, thông reo, chim hót...Nơi đó, đã trở thành vùng "Địa linh" lớn của cả nước, nơi đây không chỉ có đền thờ Quốc mẫu có mà còn có những dấu tích rất sớm của Phật giáo. Nhiều tài liệu phật giáo đã coi Tây Thiên là một trong những nơi phát tích đầu tiên của Phật giáo Việt Nam. Khu di tích danh thắng Tây Thiên với hệ thống các đền thờ có tuổi hàng nghìn năm tại tỉnh Vĩnh Phúc được lập để tưởng nhớ công ơn của bà. Quốc Mẫu Tây Thiên vừa là con người của huyền sử, vừa là con người thật với lai lịch rõ ràng. Tưởng nhớ công đức của Bà, bao đời nay, các triều đại nhà nước Việt Nam từ Đinh, Lý, Trần, Lê đều sắc phong Bà là: Tam Đảo Sơn Trụ Quốc Mẫu Tối Linh Đại Vương, hàng năm cử các quan đại thần lên cúng tế. Nhân dân khắp nơi trong vùng, không kể khác biệt về dân tộc hay tín ngưỡng cũng đều nô nức tham gia. Lễ hội Quốc Mẫu Tây Thiên cũng chính là dịp thể hiện rõ ràng nhất những nét văn hóa độc đáo và đặc sắc đó.

Trong lễ hội Tây Thiên, chúng ta dễ dàng bắt gặp sắc áo của người dân tộc Sán Dìu hòa với màu áo của người Kinh cùng tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ và trò chơi dân gian. Lễ hội Tây Thiên diễn ra hàng năm vào ngày rằm tháng 2 âm lịch. Vào ngày này, hàng vạn người dân trong vùng, du khách thập phương nô nức kéo về, trước là để thắp hương tưởng nhớ Quốc Mẫu, sau là xem các hội diễn cổ, leo núi thưởng ngoạn danh thắng...

Lễ hội được tổ chức ba ngày với phần tế lễ và nhiều trò chơi dân gian như thi hát dân ca của người dân tộc thiểu số Sán Dìu, thi nấu cơm, thi hú đáo, làm bánh chưng, bánh dày, kéo co, chọi gà...Những trò chơi mang đậm bản sắc miền bán sơn địa, của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước gắn với văn hoá phồn thực, như: bịt mắt bắt dê, đu tiên...; các làn điệu dân ca của người Việt; khúc hát Sọong-cô của người Sán Dìu định cư ở chân núi Tam Đảo hay các môn thể thao như: bóng chuyền, vật dân tộc, chọi gà, cờ tướng, kéo co cùng các cuộc thi làm bánh chưng bánh dày và cắm trại của các xã, thị trấn lân cận. Tới Tây Thiên, ngoài tham dự lễ hội, du khách cũng có dịp thưởng thức các món ẩm thực địa phương tại nơi đây.

Dọc con đường trảy hội từ Đền Thỏng lên đến Đền Thượng, khách du lịch sẽ thấy có rất nhiều sản vật do người dân địa phương tự tay làm ra, bày bán. Tùy theo mùa, về rau quả có su su, diếp cá, măng vầu, măng sặt, măng dang, quả dọc, quả bứa, tai chua, trám (đen, trắng), dọc mùng, quả đậu kem, măng ớt, mía, gần đây có thêm rau sắng; Về củ thì có củ từ, khoai môn, khoai lang, sắn dây; Về động vật thì có dê núi, gà ri, vịt cỏ, bò, trâu, lợn lửng... Rau, củ ở đây không bán theo cân mà tính theo mớ, theo bó để khách tùy ý chọn lựa với giá cả phải chăng

Du khách có thể thưởng thức những món ăn ngay tại chỗ, theo những công thức nấu riêng của người dân địa phương hoặc mua về làm quà dưới dạng tươi sống. Những người bán hàng đều là nhà nông bản địa còn các loại rau củ đều được trồng và khai thác từ rừng, từ vườn nên tươi ngon và an toàn. chắc chắn du khách sẽ không thể quên được vị tươi ngọt, đậm đã của các món rau, món măng hay món gà ri thịt chắc và thơm ngon. Ngoài ra, còn có các loại cây thuốc dùng để chữa bệnh theo phương pháp cổ truyền, hay bài thuốc tắm làm tinh thần sảng khoái, thân thể thêm dẻo dai đã được đúc kết từ nhiều năm từ dân tộc Dao.

Tục thờ Mẫu ở Tây Thiên: Bản địa , hội nhập và lan tỏa

Tín ngưỡng thờ Mẫu đã có nguồn gốc từ rất lâu và là hiện tượng phổ biến trong xã hội Việt Nam. Khởi nguồn từ sự biết ơn người đàn bà – Người mẹ cộng đồng, trong nhận thức thuở hoang sơ của con người. Từ thuở nguyên sơ đến nay, người Việt có chung một tín ngưỡng thờ Mẹ (Mẫu). Mọi vinh quang, trách nhiệm đều quy về người Mẹ. Mẹ quê hương (ai đi xa đều hướng về quê Mẹ), đất Mẹ, Mẹ Tổ quốc, Mẹ Việt Nam anh hùng; trách nhiệm của Mẹ (Cái) cũng rất nặng nề: Con dại cái mang, con hư tại mẹ; những vai trò quan trọng thuộc cũng về mẹ, như: Sông cái, đường cái, con cái; khi ốm đau, gian khổ cũng kêu tên Mẹ…Tín ngưỡng thờ Mẫu là sự tin tưởng, ngưỡng mộ và tôn vinh và thờ phụng những vị Nữ thần gắn liền với các hiện tượng tự nhiên, vũ trụ được người đời cho rằng có quyền năng sáng tạo, sinh ra, bảo trợ và che chở cho cuộc sống của con người như: trời, đất, sông, nước, rừng núi …Ngoài ra, cũng là kế thừa tục thờ mẫu này, nhân dân ta còn thờ những Thái hậu, Hoàng hậu, Công chúa, những người mẹ khi còn sống tài giỏi, có công với dân, với nước, khi mất về phù hộ cho người an, vật thịnh ..

Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt không chỉ là sự tôn thờ người mẹ có công lao sinh ra, nuôi dưỡng và che chở cho con mà còn là khát vọng, niềm tin mãnh liệt vào quyền năng thiêng liêng che chở cuộc sống bình yên, mùa màng tốt tươi, thoát khỏi thiên tai, địch hoạ….Tín ngưỡng Mẫu là tín ngưỡng cội nguồn, đích thực của Việt Nam, trường tồn với dân tộc [8]. Đây là tín ngưỡng có được lòng tin cao cả, có quy mô lớn cả về tâm linh và lượng tín đồ trong cả nước. Người Việt Nam ta có câu: “Phúc đức tại mẫu” để khuyên các bà mẹ ăn ở phúc đức, không làm điều ác và điều không hay cho cộng đồng. Như vậy, sau này con cháu sẽ được những điều tốt lành, để phước cho đời sau. Và các con cháu cũng sẽ làm theo bà, theo mẹ mà nhắc nhau những điều khuyến thiện trừ ác. Đức tính tốt đẹp này có từ cái thời xa xưa và được truyền lại cho đời sau bằng những lời truyền miệng, ca dao, bài hát… Và trong tâm thức sâu thẳm của mọi người. Mẫu (mẹ) là tất cả, là cội nguồn của sinh - diệt. Từ mẹ, người ta được sinh ra, đến khi chết, lại trở về đất mẹ.

Tín ngưỡng thờ Mẫu Tây Thiên cũng đã trải qua các nấc thang khác nhau, từ nữ thần núi đến Mẫu thần và Mẫu Tam phủ. Ở giai đoạn sơ khai, việc thờ một vị thần núi, kể cả dưới dạng nữ tính nữa thì cũng là hiện tượng phổ biến của tín ngưỡng sùng bái tự nhiên. Bởi vì, có thể là các bộ lạc sinh sống thời tiền sử ở đây tuân theo chế độ mẫu hệ, thì thần núi của họ là nữ thần, cũng là điều thường tình.

Tuy nhiên, như nói ở trên, núi Tam Đảo không phải là các ngọn núi bình thường như các ngọn núi khác, nó là ngọn núi thiêng của quốc gia cổ đại Văn Lang - Âu Lạc. Trong tâm thức dân gian, cùng với Tản Viên và núi tổ Nghĩa Lĩnh, đó là  "ba trụ đỡ trời ” của quốc gia cổ đại này. Do vậy, các vị thần núi này sớm được nhân thần hóa và trở thành những thần điện của vương quốc, và núi Tam Đảo hiện thân là vị tiên đã kết hôn với Vua Hùng và trở thành "Quốc Mẫu”, tức là một thứ bậc cao hơn nhiều so với các vị nữ thần bình thường. Vị trí "Tam Đảo Trụ Quốc Mẫu” và được triều đình từ thời Lê thờ phụng như một thượng đẳng tối linh thần [6, 7]. Tuy nhiên, như đã thấy hiện nay, quá trình biến đổi từ nữ thần đến Mẫu thần không chỉ dừng lại ở đó, mà trong lịch sử, không rõ bắt đầu từ lúc nào đã diễn ra quá trình hội nhập giữa thờ Mẫu thần Tam Đảo với hệ thống Đạo Mẫu Tam phủ, Tứ phủ đã hình thành và phát triển từ vùng hạ lưu sông Hồng từ thế kỷ XVI-XVII ngược dòng trở lên trung du và vùng núi.

Sự gặp gỡ và hội nhập giữa hai hình thức thờ Mẫu này, một từ miền núi xuống, một từ vùng đồng bằng ven biển dội lên đã tạo cho việc thờ Mẫu ở Tây Thiên mang đặc thù địa phương rõ rệt, đó là tục thờ Quốc Mẫu Tây Thiên, chỉ tồn tại ở Vĩnh Phúc, tạo thành một vùng thờ Mẫu độc đáo này. Sự hội nhập này thể hiện trước nhất là ở điện thần. Trong các ngôi đền thờ Quốc Mẫu Tây Thiên ta thấy có sự lồng ghép ở những mức độ khác nhau giữa việc thờ Mẫu tam phủ và thờ Quốc Mẫu Tam Đảo. Vị thần chủ trong các ngôi dền này đều là Quốc Mẫu Tây Thiên Lăng Thị Tiêu được đặt ở vị trí trung tâm và cao nhất của điện thần Đạo Mẫu Tam phủ.

Chẳng hạn, ở đền Thỏng, trên ban thờ cao nhất đặt trên sàn gỗ là tượng Quốc Mẫu Tây Thiên, còn các tượng phối thờ ở tầng trệt là tượng Mẫu Thoải, Mẫu Thượng ngàn ở hai bên, phía tường sau tầng trệt là thờ Ngũ Dinh (Ngũ hổ), hai bên là thờ Cô và Cậu đều là các vị thánh của điện thần Tứ phủ. Còn ở các đền Mẫu Hóa, Mẫu Sinh ở xã Đông Lộ (Tam Đảo) thì tượng Quốc Mẫu đặt ở vị trí trên cùng, còn phía dưới là điện thần Đạo Mẫu Tam phủ, như Tam tòa Thánh Mẫu, các Chầu, các Quan lớn, Các Ông Hoàng, các Cô và Cậu…

Trong các đền thờ Quốc Mẫu Tây Thiên, người ta có thể hầu đồng, trang phục, nghi lễ cũng giống như hầu đồng của Đạo Mẫu Tam phủ. Cũng theo giáo sư Ngô Đức Thịnh, đã có lần ông được các bà đồng ở đây cho biết là khi Lên đồng, Quốc mẫu có giáng đồng với tư cách là Mẫu đệ nhất thượng thiên [7, 8]. Và như vậy, ở đây đã có sự đồng nhất giữa Mẫu thượng Thiên của đạo Mẫu Tam phủ, mà Bà Liễu Hạnh Thánh mẫu là hiện thân với Quốc Mẫu Tây Thiên. Sự hội nhập này khiến cho một lần nữa Quốc Mẫu Tây Thiên được "tăng quyền” và mở rộng phạm vi, nhất là trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay. Hiện nay, trong các ngôi đền thờ Quốc Mẫu Tây Thiên, thường thấy có diễn ra nghi lễ Lên đồng, có khi cùng lúc mỗi đền có tới 3-4 ban hầu thánh. Những ông đồng, bà đồng này thường là người địa phương Vĩnh Phúc, nhưng có không ít các ông đồng, bà đồng từ các nơi khác tới, nhất là từ các đô thị lớn, như Hà Nội, Hải Phòng, thậm chí cả từ thành phố Hồ Chí Minh ra. Cho thấy rằng, đã và đang diễn ra mạnh mẽ quá trình Mẫu tam phủ, tứ phủ hóa trong tín ngưỡng thờ Quốc Mẫu Tây Thiên. Hơn nữa, cũng giống như các điện phủ thờ Mẫu khác, ngày kỵ Quốc mẫu là vào mùa xuân, tháng 2, 3 âm lịch.

Ngoài ra, cũng có một bản sắc văn hóa rất độc đáo khác nữa trong tục thờ Mẫu thần ở Tây Thiên là đã và đang diễn ra quá trình hội nhập Phật – Mẫu. Nhiều nghiên cứu về Phật học đã cho thấy, Tây Thiên là nơi Phật giáo du nhập và phát triển từ rất sớm. Ngay trong khu danh thắng Tây Thiên chỉ với chiều dài khoảng 11 km, chiều ngang khoảng 1 km đã có tới 8 ngôi chùa, trong đó có Chùa Đồng cổ ở chân núi Thạch Bàn, nơi các nhà nghiên cứu đã tìm thấy các di tích kiến trúc thuộc thời Lý - Trần. Như vậy có thể nói ở Tây Thiên, chùa thờ Phật và đền thờ Quốc Mẫu luôn luôn cặp đôi với nhau, nói cách khác, nơi nào có đền Mẫu thì có chùa và ngược lại.

Tàii liệu nghiên cứu trong vùng cũng cho rằng, các ngôi chùa ở Tây Thiên không chỉ là chùa làng, mà chắc rằng trong lịch sử, nơi đây đã từng là một trong các trung tâm Phật giáo lớn của nước ta. Ngay cái tên Tây Thiên đã gợi nên ý niệm về cõi Phật, giống như Tây Trúc ở Ấn Độ. Ngày nay, ngoài các ngôi chùa cổ, ở Tây Thiên đã có thêm Thiền Viện Trúc lâm Tây Thiên, đó là một trung tâm tu hành, nghiên cứu và giảng dạy Đạo Phật của nước ta. Chính sự du nhập và kết hợp Mẫu - Phật, Phật - Mẫu này đã không chỉ nâng tầm cho việc thờ Mẫu Tây Thiên mà còn tạo điều kiện quảng bá rộng hơn cho Phật giáo.

Điều này đáp ứng tâm thức và ước nguyện của nhân dân. Người ta hướng về với Phật là hướng về cái thiện, tu nhân tích đức để hưởng phúc kiếp sau, còn đến với Mẫu - Mẹ với ước vọng Mẫu mang lại sức khỏe, may mắn và tài, lộc cho đời sống hiện tại. Việc tỉnh Vĩnh Phúc chủ trương bảo tồn và nâng cấp Lễ Hội Tây Thiên hiện nay với ý tưởng "Về với Phật, đến với Mẫu” là thể hiện và đáp ứng tâm thức ấy.

Việc thờ Quốc Mẫu Tây Thiên còn thể hiện sự tích hợp văn hóa liên tộc người. Hiện tại, trên địa bàn các nơi thờ Quốc Mẫu Tây Thiên, đặc biệt ở các ngôi đền Mẫu Hóa, Mẫu Sinh đều là làng của người Sán Dìu. Họ không chỉ là chủ nhân thờ phụng Mẫu ở các ngôi đền chính này, mà còn tích cực tham gia các lễ hội hàng năm vào các dịp ngày đản và ngày kỵ Quốc Mẫu. Khi chúng tôi phỏng vấn các cụ người Sán Dìu thì họ đều khẳng định Quốc Mẫu Tây Thiên chính là vị Mẫu thần của dân tộc họ và họ tham gia lễ hội với tư cách là chủ nhân văn hóa. Mặc dù, như chúng ta biết, người Sán Dìu (Sơn Nhân) là tộc người thiểu số ở nam Trung Quốc di cư vào nước ta khoảng trên dưới 00-500 năm nay.

Có thể giải thích hiện tượng này từ cơ sở tương đồng văn hóa. Rất có thể ngay từ quê hương xưa, họ đã từng tôn thờ vị nữ thần núi, nên khi đến Việt Nam, họ đã sớm hòa nhập vào việc tôn thờ Quốc Mẫu Tây Thiên và coi đó như là văn hóa tín ngưỡng của chính mình. Sự hội nhập văn hóa này khiến cho mối quan hệ giữa người Việt và người Sán Dìu trong vùng càng trở nên gắn bó và đoàn kết hơn. Đó cũng là nét độc đáo của truyền thống văn hóa của nhân dân vùng Tây Thiên Vĩnh Phúc.

Tục thờ Mẫu ở Tây Thiên đã là yếu tố cốt lõi tạo nên một không gian văn hóa tâm linh với vẻ đẹp thiên nhiên vừa hùng vĩ vừa thơ mộng, ở đó các di tích kiến trúc thờ cúng đã có tuổi lâu đời, ít nhất cũng từ thời Lý, Trần, mà tiêu biểu là ngôi chùa đồng. Cũng cần nói thêm rằng, các kiến trúc đền thờ Quốc Mẫu Tây Thiên đều đi liền và gắn kết với các ngôi chùa cổ kính, tạo nên thế liên kết Phật - Mẫu, Mẫu - Phật rất độc đáo. Đó còn là không gian lưu truyền các huyền thoại, truyền thuyết về Quốc mẫu Lăng Thị Tiêu, dù đó là cô gái có công giúp Vua Hùng diệt giặc hay chính là nguyên phi của vua Hùng Chiêu Vương. Từ các huyền thoại, truyền thuyết và các di tích đền, chùa như vậy chính là không gian thiêng diễn ra các nghi lễ, phong tục và lễ hội hàng năm, nơi thu hút các đoàn hành hương từ muôn nơi đỏ về với tâm thức "Về với Phật, đến với Mẫu”. Về với Phật là về với thế giới vĩnh hằng, nơi Tây Thiên cực lạc, còn đến với Mẫu là đến với ước vọng cầu mong Mẫu mang lại cho ta sức khỏe, tài, lộc của thế giới trần thế hiện tồn.